Hiện tại các thông tin về COVID – 19 đã tràn ngập, số lượng bệnh nhân được đếm từng ngày, các dấu hiệu nhận biết, phòng ngừa đều có nhiều khuyến cáo. Sự sợ hãi dịch bệnh gần đây cũng đưa đến tình trạng không đi khám bệnh, không tái khám khi có triệu chứng nặng và đưa đến đột quỵ phải cấp cứu.
Quá tập trung vào Corona để phòng bệnh là tốt nhưng chúng ta đừng quên các bệnh nền khác có tỉ lệ tử vong hàng đầu là bệnh tim mạch và đột quỵ mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội điều trị và phòng ngừa.
Vậy đột quỵ thời COVID – 19 có điểm gì mới cần chú ý ?
COVID-19 là một bệnh mới, vẫn đang ở giai đoạn đầu và các quốc gia trên thế giới đang thực hiện các bước để cố gắng giảm sự lây lan, đại đa số mọi người phục hồi.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo thận trọng và chuẩn bị cho những người mắc bệnh tim hoặc những người sống sót sau đột quỵ, bởi vì họ nằm trong số những người phải đối mặt với nguy cơ biến chứng cao hơn từ coronavirus. Những bệnh nhân này không có nguy cơ cao hơn bị nhiễm coronavirus, nhưng nếu họ mắc phải thì khả năng bị biến chứng nghiêm trọng sẽ cao hơn.
Do đó, điều quan trọng là bạn cố gắng thực hiện phòng ngừa nhiễm coronavirus theo các khuyến cáo hiện hành.
Những nguy cơ không giống nhau đối với tất cả mọi người mà phụ thuộc: tuổi, sức khỏe tổng thể của bạn, đã mang bệnh nền bao lâu, hiện có ổn định không?
NGƯỜI ĐỘT QUỴ MÙA DỊCH COVID – 19 NÊN LÀM
Không hút thuốc.
Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.
Uống vitamin tổng hợp nếu bạn nghi ngờ rằng bạn có thể không nhận được đủ các chất dinh dưỡng bạn cần qua chế độ ăn uống hiện tại của bạn.
Tập thể dục thường xuyên.
Duy trì cân nặng lý tưởng
Giảm stress.
Kiểm soát huyết áp tốt
Hạn chế bia rượu
Ngủ đủ giấc
Nếu có tăng huyết áp, suy tim: nên ăn ít muối hoặc chọn mua thức ăn không có muối.
Cố gắng tránh nhiễm trùng, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên và không chạm tay vào mặt, vì vi trùng có thể xâm nhập qua mắt, mũi và miệng của bạn.
Nên tiêm ngừa cúm: điều này không bảo vệ chống lại coronavirus nhưng nó sẽ giúp bạn sống khỏe, giảm nhập viện, giảm tử vong.
Nên có một danh sách liên lạc: người chăm sóc,Bác Sĩ riêng, nhân viên chăm sóc tại nhà, cũng như các thành viên gia đình và bạn bè có thể giúp bạn trong trường hợp bạn cần cách ly.
Các thuốc điều trị bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…không nên bị gián đoạn, đảm bảo bạn có nguồn cung cấp thuốc theo toa hiện tại và kiểm tra xem nhà thuốc của bạn có giao hàng tận nhà không?
Không nên tránh các buổi hẹn tái khám trừ khi bạn bị nhiễm COVID-19 hoặc có các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm.
Nếu nghi nhiễm COVID-19, bạn hãy tự cách ly và nhờ sự giúp đỡ y tế càng sớm càng tốt, cơ hội phục hồi của bạn càng cao.
BS Trần Thị Như Hoa