Câu hỏi 1: Làm thế nào xác định một người bị tiểu đường, tiền tiểu đường?
Đáp: Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường, tiền tiểu đường
Đường huyết đói | Test dung nạp đường | Đường huyết ngẫu nhiên | HbA1c | |
Mô tả |
Nhịn đói ít nhất 8 giờ | Xét nghiệm 2 giờ sau khi uống 75g đường | Xét nghiệm bất cứ thời điểm nào không cần nhịn đói | Mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng qua |
Kết quả lý tưởng |
< 100 mg/dl |
< 140 mg/dl |
< 140 mg/dl Thậm chí sau bữa ăn thật no |
< 5.7% |
Tiền tiểu đường |
100 – 125 mg/dl (5.7-6.4 mmol/l) |
140-199 mg/dl | 140-199 mg/dl | 5.7-6.4% |
Tiểu đường |
>=126 mg/dl (7 mmol/l) |
>= 200 mg/dl (11.1 mmol/l) |
>= 200 mg/dl (11.1 mmol/l) |
>=6.5% |
Trong trường hợp không có tăng đường huyết rõ ràng, chẩn đoán đòi hỏi hai kết quả xét nghiệm bất thường từ cùng một mẫu hoặc trong hai mẫu xét nghiệm riêng biệt.
Câu hỏi 2:
Hỏi: Khi tôi thử đường huyết tại nhà, kết quả thế nào gọi là bình thường ?
Đáp: Đối với một người khỏe mạnh bình thường
- Đường huyết đói < 100 mg/dl, và thậm chí 80-90 mg/dl là tốt hơn đối với hầu hết mọi người.
- Đường huyết hai giờ sau ăn lý tưởng <120 mg/dl
Câu hỏi 3:
Hỏi: Tại sao lượng đường trong máu của tôi tăng lên khi tôi tập luyện trên sân? Tôi uống nước mọi lúc và ăn đúng giờ, nhưng khi tôi làm việc ngoài sân như đào đất, trồng cây và cắt cỏ, lượng đường của tôi tăng lên.
Đáp: trong 30-60 phút đầu tập thể dục, đặc biệt là trong thời tiết ấm, đường có thể tăng. sau đó sẽ đi xuống. Hãy thử kiểm tra đường ngay sau khi tập thể dục, sau đó một lần nữa 90 phút sau và xem liệu đường có giảm lại không.
Câu hỏi 4:
Hỏi: Tại sao đường đói của tôi tăng hơn vào buổi sáng?
Đáp: Sự gia tăng đường vào buổi sáng sớm (còn gọi là “hiện tượng bình minh”- dawn phenomenon) là bình thường và xảy ra khi cơ thể chúng ta sản xuất ra một lượng lớn hormone để giúp đánh thức chúng ta. Trong ngày, lượng đường có thể giữ trong tầm kiểm soát nếu chúng ta tuân theo một lối sống lành mạnh và năng động. Nếu đang chích insulin, bạn có thể điều chỉnh liều lượng vào ban đêm.
Câu hỏi 5:
Hỏi: Tại sao đường huyết đói buổi sáng của tôi là 110, nhưng chỉ còn 90 hai giờ sau ăn trưa?
Đáp: đường huyết đói thường cao hơn vào sáng sớm do hoạt động nội tiết tố tăng vào ban đêm, sau đó có xu hướng giảm xuống mức bình thường vào ban ngày.
Câu hỏi 6:
Hỏi: Tại sao lượng đường trong máu của tôi tăng sau khi tập thể dục?
Buổi sáng đầu tiên tôi thử đường là 135, sau khi đi bộ 5km tôi thử lại là 155. Trong thời gian đó tôi không ăn hoặc uống gì. Vài ngày sau đó tôi lặp lại các kiểm tra này và nhận được kết quả tương tự.
Đáp: Hãy chờ một giờ sau khi bạn tập thể dục và thử đường lại xem còn cao không. Tập thể dục là một tác nhân gây căng thẳng, vì vậy lượng đường trong máu sẽ cao hơn ngay sau buổi tập. Ngoài ra, lượng đường trong máu cao hơn vào buổi sáng còn do hoạt động của hormone về đêm.
Câu hỏi 7:
Hỏi: Tôi đã giảm cân đáng kể bằng cách nhịn ăn gián đoạn và ăn chế độ low carb nhưng tôi vẫn không thể giảm thêm lượng đường trong máu. Đường máu đứng lại trong khoảng 130-140. Mặc dù tôi đã nhịn ăn trong 16 giờ, hoặc hai giờ sau khi ăn, đường vẫn nằm trong khoảng 130 đến 140.
Đáp: vậy là tốt! Khi bạn giảm thấp hơn lượng chất béo trong cơ thể, lượng đường có thể đứng lại trong một thời gian. Đường đói vào buổi sáng cao hơn do tăng các hormone hoạt động về đêm giúp bạn thức dậy và hoạt động. Không có gì lạ khi bạn đạt mức đường bình thường với đồ ăn và hoạt động thường xuyên hàng ngày. Bạn vẫn còn mức độ đề kháng insulin. Theo thời gian, khi bạn tiếp tục giảm lượng mỡ nội tạng trong cơ thể, bạn có thể thấy đường giảm hơn nữa, do khả năng đáp ứng của tuyến tụy tăng lên để xử lý tốt hơn khi đường tăng.
Câu hỏi 8:
Hỏi: Tôi là bệnh nhân tiểu đường type1 và đang cố gắng giảm cân bằng cách cắt giảm thức ăn vào. Tại sao tôi càng ăn ít, chỉ số đường huyết của tôi càng cao?
Đáp: Nếu chế độ ăn uống của bạn bây giờ ít protein hơn, đó có thể là lý do khiến bạn tăng đường đột biến. Carbs sẽ kích hoạt phản ứng đó, ngay cả khi tổng lượng thức ăn vào cơ thể ít hơn. Hãy thử theo dõi các loại thực phẩm ăn vào và chỉ số đường tương ứng trong ít nhất một tuần để xem những gì cần thay đổi.
Câu hỏi 9:
Hỏi: Tôi có thể giảm HbA1C của mình bằng cách nào?
Tôi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2 cách đây 3 năm (HbA1c 8, đường huyết đói 180), sau đó được kê đơn Metformin 1000mg uống sáng và tối. Từ đó, bác sĩ yêu cầu tôi kiểm tra HbA1C mỗi 3-6 tháng.
Các kết quả HbA1C là 6.0, 5.5, 5.9, 6.0, 5.8, 6.1. Kết quả này có phải là tốt nhất mà tôi có thể đạt được với thuốc Metformin, chế độ ăn kiêng low carb và tập thể dục (6 ngày một tuần)? HbA1C lần chót tôi kiểm tra là 6,1 và đường huyết đói là 100.
Đáp: Đây là một kết quả đẹp, chúc mừng bạn ! Tôi không thể cho bạn câu trả lời đó vì chỉ có thời gian mới trả lời được. Mục tiêu đầu tiên của bạn là duy trì những thay đổi tốt về lối sống mà bạn đã thực hiện. Lý tưởng nhất là Bác Sĩ có thể giảm liều thuốc cho bạn. Với việc tiếp tục luyện tập và thay đổi lối sống đường bạn sẽ không cao mà còn có thể giảm xuống. Nếu đường ban ngày tốt và đường đói chỉ tăng nhẹ thì sẽ giảm được nhiều biến chứng.
Câu hỏi 10:
Hỏi: Đường huyết đói của tôi bình thường, nhưng đường 2 giờ sau ăn lại luôn ở mức cao có khi lên tới 380. Buổi tối sau 30 phút đi bộ nhanh, tôi đo đường ngẩu nhiên (random blood glucose) thấy giảm xuống thấp 60-70 và mệt. Tôi nên làm gì để duy trì đường huyết ngẫu nhiên bình thường?
Đáp: Điều này dường như chủ yếu do thực phẩm bạn ăn vào. Carbs, đặc biệt là carbs đơn, sẽ gây ra loại tăng đường đột biến này. Nếu thức ăn bạn ăn vào không được bổ sung một số protein / chất béo lành mạnh, thì có thể bị hạ đường. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, bạn cũng có thể cần điều chỉnh một chút. Các bữa ăn nhỏ chưa nhiều chất xơ / protein hơn có thể giúp ngăn ngừa hạ đường huyết.
Câu hỏi 11:
Hỏi: Uống thuốc kháng sinh có thể làm tăng đường huyết không?
Đáp: Vài thuốc kháng sinh có thể làm tăng đường huyết, đặc biệt là trên người có bệnh tiểu đường. Bạn phải kiểm tra về loại kháng sinh và những lưu ý nào khi sử dụng. Đường huyết cao bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân. Nói chung, thuốc kháng sinh có thể thay đổi hệ vi sinh vật của ruột, can thiệp vào độ nhạy insulin và phân phối glucose đến các tế bào.
Câu hỏi 12:
Hỏi: Tôi chưa từng bị tiểu đường, 3 tháng trước đi khám bệnh Bác Sĩ nói đường và HbA1c cao. Tôi đề nghị Bác Sĩ chưa uống thuốc mà bắt đầu thay đổi cách ăn uống và tập luyện. Cuối cùng thì chỉ số HbA1C của tôi đã trở lại mức bình thường, tôi vẫn còn mắc bệnh tiểu đường hay tôi đã khỏi bệnh?
Đáp: Xin chúc mừng! Nếu bạn hiện không dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, thì bây giờ bạn đã kiểm soát được bệnh chỉ bằng cách thay đổi lối sống. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải tiếp tục thay đổi lối sống mà bạn đã thực hiện để duy trì sự ổn định này. Nếu quay trở lại thói quen cũ rất có thể đường sẽ tăng trở lại.
Câu hỏi 13:
Hỏi: Tôi có chỉ số HbA1C bình thường nhưng gần đây, 4 giờ sau khi ăn tối, tôi bắt đầu đổ mồ hôi và đo đường huyết là 74. Nhưng một lần khác, 2 giờ sau bữa tối, đo đường huyết là 194. Chuyện gì đang xảy ra?
Đáp: Nếu chế độ ăn uống của bạn bao gồm nhiều carbs và trái cây, đường sẽ tăng cao sau bữa ăn, sau đó đường lại xuống thấp có thể là lý do khiến bạn đổ mồ hôi và có các triệu chứng khác. Tốt hơn bạn nên bắt đầu lại một chế độ ăn ít đường: hãy thử ăn 3-5 bữa ăn nhỏ có kết hợp với một ít protein. Bạn cũng có thể đề nghị bác sĩ làm xét nghiệm dung nạp đường để biết cách cơ thể bạn xử lý carbs trong khoảng thời gian 2 giờ.
Câu hỏi 14:
Hỏi: Tôi đã không đạt khi kiểm tra đường huyết một giờ sau ăn là 197. Tuy nhiên, tôi tự đo đường vài lần trong một ngày và thấy các kết quả luôn ở mức cho phép. Thậm chí tôi còn thử đường sau các bữa ăn nhiều carb nhưng các kết quả chưa bao giờ vượt quá 140, đường đói thì luôn ở mức 80-85. Có lời giải thích nào cho kết quả xét nghiệm đường huyết cao không? Tôi cũng bị thiếu máu và tự hỏi liệu điều đó có thể gây ra dương tính giả không?
Đáp: Có thể có kết quả dương tính giả. Nếu kết quả bạn cao hơn 7 điểm so với ngưỡng giới hạn trên của mức bình thường, bạn có thể làm xét nghiệm lại, đặc biệt khi bạn chưa làm đúng các hướng dẫn chuẩn bị trước khi làm test. Một phương pháp thay thế khác là làm xét nghiệm dung nạp glucose trong 3 giờ để có được bức tranh toàn cảnh hơn về cách bạn xử lý carbs.
Như với bất kỳ xét nghiệm nào, điều quan trọng là bạn phải tuân theo các hướng dẫn chuẩn bị trước test. Thiếu máu có thể làm tăng HbA1C, nhưng nó lại thường liên quan đến hạ đường huyết. Với hầu hết các kết quả bạn đã kiểm tra đều tốt. Việc kiểm tra lại xét nghiệm lần nữa là hợp lý như khi tình trạng thiếu máu của bạn được giải quyết.
Câu hỏi 15:
Hỏi: Tôi đã tự thử đường trong máu của mình 2 giờ sau khi ăn đồ chiên và rau xào là 167. Bác Sĩ dinh dưỡng của tôi nói rằng chỉ số cao là do dầu được sử dụng để chiên thực phẩm. Tôi nên thay đổi gì?
Đáp: Thực phẩm chiên rán và nhiều carbs, đặc biệt là ngũ cốc tinh chế và đồ ngọt sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Bạn có thể thử ăn các loại thức ăn khác và đánh giá ảnh hưởng đến lượng đường cơ thể bạn như thế nào để hiểu rõ hơn và biết cách kiểm soát đường tốt hơn trong tương lai.
Câu hỏi 16:
Hỏi: Tôi bị bệnh tiểu đường type 2 và đã cố gắng kiểm soát đường huyết thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục trong 4 tháng qua. Tôi đã ngưng chích insulin, nhưng vẫn dùng 2000mg metformin mỗi ngày. Tôi ăn ít hơn 50g carbs mỗi ngày và tập thể dục thường xuyên. Cân nặng của tôi đã giảm từ 71 xuống 64. Ceton trong máu của tôi trung bình 1,5 cho thấy rằng tôi đang trong tình trạng nhiễm ceton và có lẽ không còn dự trữ glycogen. Đường huyết trung bình là 140. Tại sao tôi không thể hạ đường huyết của mình xuống? Đường đói thấp nhất mà tôi đã ghi nhận được là 103 sau 2 ngày nói không với carbs.
Đáp: Nếu mức độ nhịn ăn của bạn có thể là lý do khiến mức đường trung bình cao hơn, với mức đường ban ngày là <140-150, bạn nên xem lại thời gian dùng metformin để đạt mục tiêu tốt hơn với mức độ nhịn ăn của mình. Bạn có thể hỏi lại bác sĩ của mình. Ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng là rất quan trọng để hỗ trợ các phản ứng trong cơ thể của bạn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng hấp thu glucose từ máu.
Câu hỏi 17:
Hỏi: Bất cứ khi nào đường huyết dưới 100 đều khiến tôi đau đầu và buồn nôn. Tôi cảm thấy tốt nhất khi nó nằm trong phạm vi 140-150. Tôi cũng không cảm thấy mức cao cho đến khi đường từ 200 trở lên. Vì sao vậy?
Đáp: Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường lâu năm với mức đường huyết tăng cao trong một thời gian, cơ thể của bạn đang thích ứng với mức này, gây ra các triệu chứng của đường huyết thấp nếu bạn cố gắng hạ xuống mức bình thường quá nhanh. Nếu bạn đang dùng thuốc, có thể cần điều chỉnh. Có lẽ chế độ ăn uống của bạn cũng cần cân bằng hơn, để làm chậm tốc độ chuyển hóa thức ăn thành glucose. Xét nghiệm Dung nạp đường có thể cho bạn biết cơ thể bạn đang xử lý carbs như thế nào. Hãy trao đổi những điều này với bác sĩ của bạn.
Câu hỏi 18:
Hỏi: Ngoài việc uống nước, tôi có thể làm gì để giảm nhanh kết quả xét nghiệm đường trong máu?
Đáp: Một kết quả đường cao không có nghĩa là có cách khắc phục nhanh chóng. Về ngắn hạn, tôi khuyên bạn không ăn bất kỳ loại carbs nào, thay vào đó hãy ăn một lượng nhỏ chất béo / protein lành mạnh. Tập thể dục có thể làm tăng lượng đường trong máu trong thời gian ngắn, nhưng giảm về lâu dài.
Câu hỏi 19:
Hỏi: Tôi có bị tiền tiểu đường không? Khoảng năm tháng trước, tôi bắt đầu thử đường huyết của mình sau ăn vì tôi thường xuyên bị sương mù não. Tôi phát hiện ra sau một bữa ăn đặc biệt nhiều carb, không có protein, lượng đường trong 1 giờ của tôi cao tới 180. Ngay lập tức tôi giảm hẳn lượng carb, giảm cân và tăng cường tập thể dục. Gần đây tôi kiểm tra HbA1C là 4,7. Tuy nhiên, ngay cả 2 thìa nước sốt thịt nướng cũng sẽ nâng lượng đường trong một giờ của tôi lên 145, nhưng nó sẽ giảm xuống tốt hơn 120 vào 2 giờ sau. Tôi có bị tiền tiểu đường không? Bác sĩ yêu cầu tôi ngừng kiểm tra đường 1 giờ và chỉ lo lắng về mức đường 2 giờ của tôi. Mặc dù vậy, tôi không thể chịu đựng được tình trạng sương mù não đi kèm với mức đường huyết là 120.
Đáp: Mức đường huyết tăng cao không phải là lý do duy nhất gây ra tình trạng sương mù não. Những thay đổi về nội tiết tố có thể là nguyên nhân khác cần xem xét. Nếu bạn thường xuyên nhận thấy sương mù não sau khi ăn carbohydrate tinh chế, hãy thử ăn một chế độ ăn uống không tinh chế với nguồn carbs đến từ rau và các loại đậu. Chỉ nên kiểm tra lượng đường khi bạn cảm thấy “có sương mù”. Bạn có khuynh hướng di truyền đối với bệnh tiểu đường, nhưng bạn có thể kiểm soát được khi bạn chịu thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh.
Câu hỏi 20:
Hỏi: Tại sao đôi khi tôi cảm thấy vô cùng tức giận khi đường máu của tôi cao?
Đáp: Giận dữ có thể là một phản ứng cảm xúc đối với mức đường huyết cao, hơn nữa nếu một người có cảm giác tức giận tiềm ẩn (cũng không có gì lạ khi cảm thấy tức giận khi đang đối mặt với bệnh tiểu đường). Điều tích cực là bạn nhận ra điều này ở bản thân mình, cố gắng hết khả năng của mình để đừng phát sinh cơn giận nữa.
Câu hỏi 21:
Hỏi: Một cơn lo lắng hoặc lo lắng nghiêm trọng có thể làm tăng lượng đường trong máu không?
Đáp: Có thể. Lo lắng là một tác nhân gây căng thẳng có thể làm tăng hormone, đặc biệt là cortisol. Quá trình này vận chuyển glucose vào máu để chuẩn bị cho bạn chạy hoặc tự vệ. Để cải thiện bạn có thể áp dụng các kỹ thuật chống lo âu như hít thở sâu.
Câu hỏi 22:
Hỏi: Tôi từng được báo là bị tiểu đường, hay “tiền tiểu đường”, hoặc tôi đang trong “thời kỳ trăng mật”. Các kết quả đường của tôi được đo nhiều lần: đôi khi khoảng 120, đôi khi 90, hiếm hơn 150-170. Bác sĩ chưa muốn cho tôi dùng thuốc, chỉ tư vấn cách thay đổi lối sống. Tôi tập thể dục thường xuyên và không bị thừa cân mặc dù chế độ ăn uống của tôi có nhiều thay đổi. Tôi rất thích ăn đồ ngọt, bánh pizza và mì ống. Ảnh hưởng lâu dài của lượng đường cao này là gì?
Đáp: Thứ nhất, phải dành lời khen tặng cho bác sĩ của bạn khi giúp bạn thay đổi về chế độ ăn uống / lối sống để bạn có cơ hội giảm đường. Đầu tiên, tốt nhất bạn nên giảm mỡ cơ thể thường xuyên. Phương pháp này có thể đúng hoặc không đúng trong trường hợp của bạn nhưng chắc chắn đồ ngọt, bánh pizza,… đang làm tăng đường của bạn.
Nếu bạn có thể kiêng cữ vào thời điểm này để ăn thực phẩm chưa tinh chế và tập luyện năng động hơn, các tế bào beta tụy sẽ sản xuất insulin cần thiết còn lại để duy trì đường huyết ổn định. Bạn có thể tham khảo tài liệu về nhiều loại thực phẩm / chất bổ sung để giúp ổn định mức đường huyết của bạn.
Sau thời gian này, bạn có thể ăn lại những món ăn yêu thích với số lượng vừa phải. Lúc này, bạn đang ở trong phạm vi tiền tiểu đường nhiều hơn. Các biến chứng là một quá trình lâu dài. Nếu đường ban ngày của bạn duy trì dưới 120-140 là tốt. Mức độ đường đói cao hơn do hoạt động của hormone vào ban đêm; Duy trì mức đường huyết này sẽ làm giảm mọi biến chứng. Tiếp tục thực hiện thay đổi lối sống / chế độ ăn uống sẽ tốt hơn và theo thời gian, bạn có thể bắt đầu thấy sự cải thiện liên tục.
Câu hỏi 23:
Hỏi: Điều gì giữ đường máu của tôi giảm < 200 trong suốt một ngày? Đường buổi sáng khi tôi thức giấc là 252, một giờ sau khi ăn sáng (với 73 net. Carbs) là 390, Một giờ sau nữa 306. Vào bữa trưa, tôi ăn một trái cam, một giờ sau tôi kiểm tra lại đường vẫn giảm, quả cam không làm tăng lên chút nào. Cho đến giờ tôi cũng đã uống 1.4 lít nước. một giờ sau bữa sáng lúc 8:50 đường 390, đến 3:30 chiều đường 188 khi tôi không hề dùng thuốc. Tôi thắc mắc về mức giảm 202 trong 8 giờ mà không dung thuốc, trong khi đường lại tăng đột biến sau khi ăn 73 net.carbs.
Đáp: Carbs chắc chắn làm tăng lượng đường trong cơ thể bạn nhanh hơn. Thay đổi đầu tiên tôi muốn đề xuất là bạn ăn protein / chất béo lành mạnh cho bữa sáng. Điều này làm tăng đường chậm hơn với thời gian tiêu hóa lâu hơn. Test dung nạp glucose trong khoảng thời gian hai giờ có thể giúp phát hiện thời điểm tăng đường đột biến. Kiểm soát tốt hơn đường đói sẽ giúp biên độ đường thấp hơn trong ngày. Hoạt động nội tiết tố về đêm có thể làm tăng đường lúc đói của chúng ta. Trong thời gian hoạt động ban ngày, những đợt tăng nội tiết tố này sẽ giảm bớt cho đến chu kỳ ngủ / đêm kế tiếp. Thay đổi chế độ ăn uống và duy trì hoạt động tích cực nhất có thể là những biện pháp cải thiện đường của bạn.
Câu hỏi 24:
Hỏi: Tôi đang dùng insulin và Trulicity nhưng lượng đường của tôi cứ tăng vọt cả ngày lẫn đêm. Đường sáng nay của tôi 190 nhưng sau khi uống cà phê, đường tăng vọt lên hơn 300. Tôi không thể kiểm soát được những cơn tăng đường này với mọi chế độ ăn uống mà tôi đang cố gắng tuân theo.
Trả lời: Bạn nên thay đổi chỉ ăn protein và nhiều rau xanh trong vài ngày xem có giúp bạn ổn định lượng đường trong máu hay không và sau đó từ từ điều chỉnh khi đã ổn định. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không ăn thực phẩm giàu carbohydrate như ngũ cốc, khoai tây hoặc trái cây. Carb duy nhất của bạn sẽ đến từ các loại rau ít carbonhydrate. Sử dụng dầu ô liu / dầu dừa làm nguồn chất béo. Có rất nhiều lý thuyết về chế độ ăn uống hiện nay nhưng không có một chế độ ăn kiêng nào là tốt cho tất cả mọi người. Nếu bạn ngưng uống cà phê trong thời gian này, có thể làm giảm đường vì bạn có thể rất nhạy cảm với nó.
Câu hỏi 25:
Hỏi: Xin chào, tôi đang mang thai được 24 tuần. Tôi đã theo dõi lượng đường trong máu của mình được vài tuần. lượng đường trong máu của tôi vào buổi sáng dao động từ 97 đến 106. Tất nhiên, tôi chỉ ăn nửa chén cơm mỗi bữa với đồ ăn nhẹ ở giữa. Đường huyết 2 giờ sau ăn của tôi đôi khi xuống dưới 100. điều đó có bình thường không? Tôi đã thực hiện chế độ ăn ít carb, nhiều chất xơ và ít đường trong vài tuần nay.
Đáp: Cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả bạn và đứa con đang lớn của bạn là điều quan trọng. Thông thường, đường trong máu cao hơn vào buổi sáng, do hoạt động của các hormone vào ban đêm. Gạo là một loại carb “phi mã” có nghĩa là nó chuyển hóa rất nhanh thành glucose với tốc độ tăng và giảm nhanh. Nếu đường huyết thường thâp hơn vào buổi chiều, hãy ăn sáng với nhiều protein / chất béo lành mạnh vì chúng mất nhiều thời gian hơn để chuyển hóa thành glucose và có thể duy trì lượng glucose bình thường hơn vào thời gian còn lại trong ngày. Bạn có thể chuyển ăn ngũ cốc sang một loại protein thực vật cao hơn, chẳng hạn như quinoa (hạt diêm mạch). Một lần nữa, hãy kiểm tra xem bạn có cung cấp đủ calo hay không. Nếu bạn ăn được sữa chua, đây có thể là một bổ sung tốt để làm cầu nối nâng mức đường huyết cân bằng tốt hơn. Và tất nhiên, bạn nên thảo luận thêm với bác sĩ của mình.
Câu hỏi 26:
Hỏi: Đường huyết đói của tôi là 155. Sau 30 phút tập thể dục buổi sáng khi bụng đói là 167. Làm thế nào để kiểm soát điều này?
Đáp: Đường bạn cao hơn vào buổi sáng do hoạt động của hormone vào ban đêm. Sau khi tập thể dục, bạn có thể bị tăng đường trong máu trong hoặc sau một giờ trước khi hạ xuống. Tập thể dục trong thời gian ngắn là một tác nhân gây căng thẳng, khiến gan giải phóng glucose vào máu để “cung cấp năng lượng” cho hoạt động này. Bạn cần thay đổi chế độ ăn uống và hoạt động để đạt mục tiêu đường đói thấp hơn.
Câu hỏi 27:
Hỏi: Tắm nắng và nhiệt độ cao có thể làm tăng lượng đường trong máu không?
Đáp: Nhiệt độ cao có thể dẫn đến mất nước, do đó có thể làm đường trong máu cao. Cần 6 phân tử nước để di chuyển một phân tử đường khỏi dòng máu, vì vậy lượng đường càng cao, bạn càng cần uống nhiều nước. Nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh có thể gây ra những thay đổi trong hệ thống mạch máu và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và gây ra các phản ứng
Câu hỏi 28:
Hỏi: Tôi có bị bệnh tiểu đường không? Kết quả HbA1C mới nhất của tôi là 5,4. Nhưng chủ nhật tuần trước, bốn giờ sau bữa tối, tôi bị đổ mồ hôi và thử lượng đường máu là 74. Hôm qua, lượng đường 2 giờ sau ăn của tôi là 167.
Đáp: Bạn có thể làm thêm test dung nạp đường để đo mức độ đường của bạn trong khoảng thời gian 3 giờ sau khi uống một loại đường được kê đơn. Giảm lượng carbs, tăng chất béo và protein lành mạnh chia ra nhiều bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn có thể giúp cải thiện tình trạng hạ đường huyết, và giảm đường 2h sau ăn (nếu cao không kiểm soát có thể trở thành bệnh tiểu đường). Bạn nên theo dõi lượng thức ăn của mình trong tuần, kiểm tra đường một giờ sau khi ăn để xem biến thiên đường cao hay thấp.
Câu hỏi 29:
Hỏi: Tôi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2 năm 13 tuổi sau khi bị hôn mê do tiểu đường với lượng đường trong máu là 1200 nhưng tôi đã giảm được 40 kg và hầu như không còn bệnh tiểu đường. Tôi đã không dùng thuốc hơn 7 năm. Gần đây tôi lại tăng cân rất nhiều và lo ngại khi đường máu dao động từ 90-107 sau khi nhịn ăn hơn 8 giờ. Trong khi đường trong ngày và sau ăn bình thường.
Đáp: Tăng cân quá nhiều, có thể là một lý do chính ở đây, vì có thể làm suy giảm insulin cần thiết để hấp thụ đường từ máu của bạn một cách hiệu quả. Mặc dù lượng đường trong máu của bạn đã được kiểm soát trong nhiều năm, nhưng những thay đổi trong lối sống của bạn đang bắt đầu biểu hiện với đường đói tăng lên. Đây sẽ là một dấu hiệu tốt để bạn đánh giá lại chế độ ăn và mức độ hoạt động hiện tại. Bạn có thể đang biểu hiện giảm sản xuất insulin. Bạn nên tái khám và thảo luận tình hình hiện tại. Bác Sĩ có thể đề nghị xét nghiệm lượng insulin của bạn.
Câu hỏi 30:
Hỏi: Tôi là bệnh nhân tiểu đường type II, thông thường đường huyết của tôi từ 120 đến 160. Đột nhiên có lúc xuống thấp 94 có đáng lo ngại không?
Đáp: Nếu số 94 của bạn là đường đói, thì đó là mức tốt nếu không có chống chỉ định như các vấn đề về tim mạch. Nếu đây là kết quả đường vào ban ngày, hãy lưu ý bất kỳ dấu hiệu hạ đường huyết nào. Có lẽ bạn đã ăn ít hơn vào ngày hôm đó? Nếu bạn bắt đầu thường xuyên thấy đường ban ngày thấp hơn, tốt hơn hãy đến gặp bác sĩ để xem xét giảm liều thuốc.
Câu hỏi 31:
Hỏi: Tôi chưa được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và chỉ số HbA1c của tôi chỉ là 5.0. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng khi tôi thức dậy, lượng đường trong máu của tôi có khi lên tới 140. Tôi có bị bệnh tiểu đường không? Nếu có, tại sao HbA1c của tôi lại bình thường?
Đáp: HbA1C phản ánh mức trung bình, vì vậy có thể đa số lần đường trong ngày của bạn ở mức thấp, chỉ vài lần cao. Bạn nên làm thêm xét nghiệm dung nạp Glucose trong 2 giờ để xem mức độ thấp và mức cao đang xảy ra ở đâu. Hai xét nghiệm có đường huyết lúc đói từ 126 trở lên được coi là chẩn đoán bệnh tiểu đường.
BS. Trần Thị Như Hoa
Tài liệu tham khảo
1. ADA 2022
2. Diabetes Action Research and Education Foundation