Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ năm ở Hoa Kỳ và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tàn phế trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, những nỗ lực kiểm soát huyết áp, rối loạn lipid máu và bệnh tiểu đường cũng như giải quyết chứng rung nhĩ (một rối loạn nhịp tim phổ biến gây ra đột quỵ) đã giúp giảm tần suất đột quỵ ở bệnh nhân trên 65 tuổi.
Trong khi tỷ lệ đột quỵ nói chung đang giảm ở quốc gia này, thì tỷ lệ đột quỵ ở những người trẻ tuổi đang gia tăng. Khoảng 800.000 người Mỹ bị đột quỵ mỗi năm. Trong khi chỉ có 15% số ca đột quỵ xảy ra ở những người trong độ tuổi 18-50, 120.000 người Mỹ dưới 50 tuổi và 1,5 triệu thanh niên trên toàn thế giới bị đột quỵ mỗi năm. Tỷ lệ đột quỵ ở những người trong độ tuổi 20-44 đã tăng từ 17 trên 100.000 vào năm 1993 lên 28 trên 100.000 vào năm 2015. Nguy cơ đối với bệnh nhân trong giai đoạn đầu của cuộc đời là rất lớn.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trung bình cứ 6 người, một người có nguy cơ đột quỵ. Tỷ lệ người trẻ và người trung niên 40-45 chiếm khoảng 1/3. Mặc dù vậy, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Đặc biệt, số lượng người trẻ tuổi 20, thậm chí dưới 20 tuổi cũng xuất hiện nhiều.
Các triệu chứng đột quỵ ở người trẻ tuổi tương tự như ở người lớn tuổi:
Khởi phát đột ngột yếu, hoặc tê ở mặt, cánh tay hoặc chân.
Đột ngột nói khó.
Đột ngột gặp khó khăn khi đi lại hoặc giữ thăng bằng.
Đột ngột đau đầu dữ dội.
Thay đổi đột ngột về tầm nhìn.
Có hai loại đột quỵ:
1. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, trong đó dòng máu và oxy bị gián đoạn gây tổn thương mô não. (Ở người lớn tuổi, tăng huyết áp, bệnh tim và xơ vữa động mạch là những nguyên nhân chính.) Điều này chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ và 60% số ca đột quỵ gặp ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.
2. Đột quỵ xuất huyết: do vỡ mạch máu chảy vào trong hoặc xung quanh não gây rối loạn mô não bên dưới (do tăng huyết áp, dị dạng mạch máu não) chiếm khoảng 15% tổng số ca đột quỵ, nhưng chiếm 40% các ca đột quỵ ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Có một số nguyên nhân gây đột quỵ thường thấy ở người trẻ tuổi lại ít gâp ở người trên 65 tuổi bao gồm:
Bóc tách động mạch cổ: chiếm 10-25% đột quỵ ở người trẻ tuổi nhưng chỉ có 2% đột quỵ ở bệnh nhân trên 65 tuổi. Tổn thương thành mạch lớn ở cổ gây gián đoạn lưu lượng máu. Điều này có thể xảy ra một cách tự nhiên hoặc khi có căng thẳng về thể chất dữ dội trên cổ như ho mạnh, nôn mửa hoặc cử tạ.
Tồn tại lỗ bầu dục (PFO): sự thông thương giữa bên phải và bên trái của tim qua lỗ bầu dục có thể cho phép các cục máu đông từ chân đi vào các mạch máu lên não. Khoảng 24-40% dân số có PFO nên sự tồn tại của PFO không có nghĩa là đột quỵ do nó gây ra. Tuy nhiên, nó vẫn là một nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Bất thường đông máu: có thể gây ra cả đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xuất huyết.
Sử dụng ma túy: những người sử dụng cocaine trong vòng 24 giờ có nguy cơ đột quỵ tăng gấp sáu lần và nguy cơ cao nhất khi hút..
Bệnh di truyền: chẳng hạn như bệnh Fabry hoặc bệnh Moyamoya có thể liên quan đến đột quỵ.
Ngoài các nguyên nhân đột quỵ như của người cao tuổi, bệnh lý về dị dạng mạch máu não thì hiện nay bệnh lý động mạch vành tiến triển âm thầm nhưng gây ra cái chết đột ngột ở người trẻ.
Đột quỵ được chẩn đoán như thế nào và mọi người cần biết điều gì?
Nhờ các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, đặc biệt là MRI, các bác sĩ có thể chẩn đoán đột quỵ một cách chính xác và nhanh chóng hơn. Hình ảnh CT và MR có thể xác định vị trí tắc nghẽn mạch máu và hướng điều trị chính xác
Nhận biết rằng đột quỵ xảy ra và với tần suất ngày càng tăng ở những người trẻ tuổi. Tuổi tác không bảo vệ ai khỏi những tác động tàn phá của đột quỵ. Những bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ lại thường đến phòng cấp cứu muộn hơn những bệnh nhân lớn tuổi. Khi người trẻ đột nhiên phát triển các triệu chứng thần kinh, họ nên được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Họ có thể được hưởng lợi từ các liệu pháp làm tan cục máu đông như TPA, một loại thuốc tiêm tĩnh mạch có thể giúp làm tan cục máu đông, hoặc thủ thuật lấy huyết khối, loại bỏ cục máu đông khỏi mạch máu.
Mặc dù có những nguyên nhân đột quỵ tương đối độc nhất đối với người trẻ tuổi, nhưng sự gia tăng tần suất đột quỵ gần đây dường như được thúc đẩy bởi sự gia tăng các yếu tố nguy cơ tim mạch truyền thống ở người trẻ tuổi. Tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu và đái tháo đường týp 2 đều xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ tuổi. Những yếu tố này cùng với việc hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu và lối sống ít vận động đang khiến những người trẻ tuổi bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường thấy ở những bệnh nhân trên 65 tuổi. Khoảng 50% thanh niên bị đột quỵ có huyết áp cao, 14% thanh niên bị đột quỵ mắc bệnh tiểu đường và 22% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi bị béo phì.
Thật may mắn đây là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được! Phát hiện sớm những vấn đề này và điều trị tích cực là vô cùng quan trọng. Huyết áp cao thường không được phát hiện và gây ra đột quỵ, bệnh tim và bệnh thận. Đánh giá huyết áp ngay cả ở người trẻ tuổi là điều bắt buộc. Tập thể dục và ăn uống lành mạnh cũng có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng lipid máu, béo phì, tiểu đường và lạm dụng rượu có thể ngăn ngừa 3/4 số ca đột quỵ trên toàn thế giới.
BS. Trần Thị Như Hoa
Ref
hcdc.vn/hoidap/index/chitiet/9c55ea0f642e11d89eb1f0c5a1569e98
Vì sao đột quỵ tăng cao ở người trẻ? | Khoa học và Đời sống (khoahocdoisong.vn)
Risk Factors and Causes of Ischemic Stroke in 1322 Young Adults | Stroke (ahajournals.org)
Why is stroke on the rise in young adults? (stamfordhealth.org)